Những ổ cứng USB 3.0 đầu tiên...

time04-06-2014, 2:30 pm   time4440

Những ổ cứng USB 3.0 đầu tiên...

Với tốc độ “tia chớp” có thể lên đến 5Gbps, chuẩn giao tiếp SuperSpeed USB 3.0 có thể thay đổi cuộc sống của bạn.

 
 

Cùng với sự ra đời của đặc tả USB 3.0 (tham khảo “USB thời... lên 3”, TGVT 01/2010, ID: A1001_83), thị trường thiết bị lưu trữ đã xuất hiện các sản phẩm hỗ trợ giao tiếp USB phiên bản mới nhất này. Chúng ta sẽ cùng “tham quan” kết quả thử nghiệm của những ổ cứng đầu tiên sử dụng giao tiếp USB 3.0.


Cáp này có vẻ giống cáp USB 2.0, nhưng nó được thiết kế cho USB 3.0.

Tốc độ của USB 3.0 khá ấn tượng, nhưng điểm nổi bật hơn cả vẫn là tính năng tương thích ngược với USB 2.0. Bạn cần phải mua cáp hay card chuyển đổi mới (hay thậm chí một bo mạch chủ (BMC) mới có tích hợp cổng USB 3.0) để đạt được hiệu năng thật sự của USB 3.0. Nhưng bạn vẫn có thể sử dụng các thiết bị USB 2.0 để kết nối với cổng USB 3.0, tuy không đạt được tốc độ của chuẩn USB 3.0.

Cuộc cách mạng USB 3.0 đang đến, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận SuperSpeed USB 3.0 đang được bán ra, gồm các bộ điều khiển thiết bị, card chuyển đổi, BMC (từ Asus, Gigabyte, Intel và các hãng khác), và ổ đĩa cứng. Nhưng các thiết bị này sẽ không chuyển lên USB 3.0 ngay lập tức: Theo nghiên cứu của trang In-Stat, phải đến năm 2013 thì mới có hơn 1/4 các sản phẩm USB hỗ trợ SuperSpeed USB 3.0.

Sự chuyển đổi chậm này không tạo sự ngạc nhiên đặc biệt nào, vì không có thiết bị ngoại vi tương thích hay thiết bị điện tử tiêu dùng nào được công bố cho đến khi đó. Một số thiết bị như bàn phím và chuột sẽ không thừa hưởng sự gia tăng hiệu năng của SuperSpeed USB 3.0. Các sản phẩm khác như máy ảnh và máy quay số, chúng ta sẽ thấy USB 3.0 bắt đầu xuất hiện trên các dòng sản phẩm này vào năm 2011.

Hiệu năng cao


Những ổ đĩa tốc độ SuperSpeed USB 3.0: Buffalo, Iomega, Seagate và Western Digital (từ trái qua).

Sự cải thiện về tốc độ lý thuyết mà USB 3.0 mang đến thật là ấn tượng, lên đến 5Gbps, cao gấp 10 lần so với USB 2.0 chỉ đạt tối đa 480Mbps về lý thuyết.

Để xác định tốc độ thực của giao tiếp USB 3.0, PCWorld Mỹ đã thực hiện thử nghiệm trên 4 ổ đĩa lưu trữ gắn ngoài, trong đó gồm có 3 ổ đĩa cứng để bàn 3,5”: Buffalo DriveStation USB 3.0 HD-HXU3 1,5TB, Iomega eGo Desktop USB 3.0 2TB và Western Digital My Book 3.0 1TB; và 1 đĩa cứng di động 2,5” Seagate BlackArmor PS 110 dung lượng 1TB. Các phép thử gồm: sao chép cùng lúc nhiều tập tin kích thước nhỏ, chép các tập tin dung lượng rất lớn, và quét virus để kiểm tra tốc độ tìm kiếm của ổ đĩa.

Ổ đĩa Buffalo có định dạng FAT32, trong khi 3 ổ còn lại có định dạng NTFS - định dạng hiệu quả hơn. FAT32 chỉ có lợi khi dùng để đọc ghi trên cả máy Mac và PC. May mắn là ổ đĩa Buffalo cũng cung cấp một tùy chọn để định dạng lại ổ đĩa theo chuẩn NTFS.

Qua các thử nghiệm cho thấy, các ổ đĩa gắn ngoài giao tiếp USB 3.0 có tốc độ nhanh hơn khoảng 1/3 so với ổ sử dụng giao tiếp FireWire 800. Và chúng có tốc độ thấp hơn chút ít trong một số thử nghiệm so với các ổ giao tiếp eSATA (dùng giao tiếp SATA 2.0 có tốc độ 3Gbps). Tốc độ lý thuyết của giao tiếp FireWire 800 là 800Mbps và của eSATA là 3Gbps.

Thử nghiệm thực tế cho thấy, USB 3.0 có tốc độ nhanh gấp 3,5 lần và luôn hơn gấp đôi so với tốc độ USB 2.0.


Ổ đĩa USB 3.0 HD-HXU3 của Buffalo.

Trong 3 ổ cứng để bàn, ổ đĩa Western Digital My Book 3.0 nhìn chung có tốc độ nhanh nhất, sau đó là ổ đĩa của Buffalo và Iomega. Các ổ đĩa hoàn thành các phép thử với tốc độ đọc/ghi hầu như chỉ chênh lệch nhau vài giây. Trong thử nghiệm quét virus, có sự chênh lệch lớn nhất là 24 giây giữa ổ đĩa nhanh nhất (Western Digital) và ổ đĩa chậm nhất (Buffalo).

Ổ đĩa cứng di động luôn có hiệu năng thấp hơn so với các ổ để bàn, đơn giản chỉ vì chúng có tốc độ vòng quay/phút (rpm - rotations per minute) thấp hơn. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ổ đĩa di động Seagate BlackArmor PS 110 không nhanh như các ổ để bàn cùng thử nghiệm. Tuy nhiên, so với các ổ gắn ngoài di động đã từng thử nghiệm, ổ đĩa này này đứng hàng thứ hai, chỉ sau ổ đĩa WiebeTech ToughTech XE Mini 500GB dùng giao tiếp eSATA.

Trong các thử nghiệm về tiêu thụ điện năng, mức tiêu thụ trung bình của các ổ đĩa USB 3.0 nhiều hơn chút ít so với ổ đĩa USB 2.0 khi truyền dữ liệu. Tuy nhiên, vì USB 3.0 thực hiện các tác vụ nhanh hơn nhiều, nên khi thực hiện phép nhân điện năng tiêu thụ trung bình với thời gian thực hiện cho thấy USB 3.0 thực hiện được gấp đôi công việc trên mỗi watt điện năng tiêu thụ.

Ngoài hiệu năng, USB 3.0 còn có nhiều điểm tiện lợi so với eSATA. Không giống eSATA, USB 3.0 được thiết kế cho các thiết bị lưu trữ gắn ngoài. Nó có tính năng tháo lắp nóng, bạn chỉ cần gắn thiết bị vào máy tính, và HĐH sẽ nhanh chóng thêm thiết bị vào danh sách ổ đĩa. Ngược lại, ổ đĩa dùng giao tiếp eSATA gần như luôn yêu cầu hệ thống phải khởi động lại mới thấy được ổ đĩa.

Hơn nữa, vì USB 3.0 là cổng cấp nguồn, bạn không cần phải sử dụng bộ nguồn cho ổ đĩa gắn ngoài như các ổ eSATA. Tuy nhiên, hầu hết ổ cứng 3,5” đều cần thêm nguồn ngoài (nguồn cung cấp qua cáp USB), do đó bạn vẫn nên dùng bộ nguồn riêng cho các ổ cứng này.

Chứng nhận USB 3.0


Ổ đĩa gắn ngoài Iomega eGo Desktop USB 3.0 dung lượng 2TB.

Một trong những điểm cần lưu ý khi mua sản phẩm USB 3.0 là bạn cần kiểm tra sản phẩm đó có logo chứng nhận SuperSpeed USB 3.0 hay không. Logo này đảm bảo rằng, sản phẩm mà bạn mua là đúng chuẩn đặc tả mới này.

Dù vậy, vào thời điểm này, các hãng sản xuất đều tung ra sản phẩm USB 3.0 mà không có chứng nhận chính thức hay logo SuperSpeed. Chẳng hạn, ổ đĩa Buffalo Technology HD-HXU3 xuất hiện đầu tiên trên thị trường không có logo; và ổ đĩa của Lacie sẽ chỉ có logo USB 3.0 riêng của họ (Lacie cho biết, họ dự định sẽ dán nhãn chứng nhận lên hộp sản phẩm khi quá trình xin chứng nhận hoàn tất).

Trong giai đoạn này, bạn không cần phải lo lắng về việc ổ đĩa của bạn có thật sự đạt được tốc độ công bố hay không. Trong quá trình chuyển tiếp từ thế hệ USB 1.1 lên USB 2.0, các nhà phát minh đặc tả USB 2.0 đã cho biết các sản phẩm này sẽ không đạt đến tốc độ tối đa 480Mbps như đã công bố. Ngược lại, một sản phẩm đạt chứng nhận USB 3.0 thì sẽ có tốc độ tối đa đến 5Gbps.

Khả năng nâng cấp


Seagate bán kèm ổ đĩa di động PS 110 USB 3.0 với card chuyển đổi ExpressCard.

Việc nâng cấp để sử dụng giao tiếp USB 3.0 trên máy tính để bàn khá dễ dàng. Bạn có thể mua card chuyển đổi trên thị trường giá xấp xỉ 30USD (khoảng 570.000 đồng), mua card của Buffalo giá 70USD (khoảng 1,3 triệu đồng), hay chọn ổ đĩa Western Digital có đi kèm card (có giá chênh lệch hơn 20USD (khoảng 380.000 đồng) so với ổ đĩa không đi kèm card).

Tuy nhiên, với máy tính xách tay (MTXT), việc nâng cấp sẽ khó khăn hơn. Trừ khi ổ đĩa di động có khe cắm ExpressCard để gắn card chuyển đổi như card đi kèm ổ đĩa Seagate BlackArmor PS 110, nếu không bạn sẽ không thể sử dụng ổ đĩa giao tiếp USB 3.0 trên MTXT của mình.

Dù vậy, các MTXT đời mới sẽ hỗ trợ giao tiếp này. Cho đến giờ, chỉ có HP và Fujitsu công bố sẽ hỗ trợ có giới hạn USB 3.0 trên MTXT của họ. Hãng sản xuất máy tính để bàn và MTXT MSI của Đài Loan cho biết, máy tính của hãng này sẽ không hỗ trợ USB 3.0 sớm nhất cho đến quý 3 năm nay.

 

Lời kết


Ổ đĩa để bàn My Book 3.0 của Western Digital.

Tốc độ, khả năng tương thích ngược, điện năng tiêu thụ … là những yếu tố mà USB 3.0 sẽ mang đến cho người dùng trong tương lai. Nó chỉ thấp hơn chút ít so với eSATA, và thích hợp cho thiết bị lưu trữ di động.

eSATA có lẽ chưa phải là giao tiếp có tốc độ cao nhất, đặc biệt là khi các thiết bị gắn ngoài dùng giao tiếp SATA 3.0 (tốc độ lên đến 6Gbps) được tung ra. Tuy nhiên, với chuẩn giao tiếp USB 3.0 mới, chúng ta sẽ không thấy ngạc nhiên khi giao tiếp eSATA ít thu hút hơn USB 3.0, ít nhất là trong thị trường tiêu dùng chung, hiệu năng không cao. FireWire 800 vẫn có vị trí không đổi: ngoài hỗ trợ máy Mac, FireWire 800 cung cấp lợi ích không nhiều so với USB 3.0.

Cuối cùng, câu hỏi thực tế là, bạn có muốn có tốc độ của USB 3.0 hay không? Câu trả lời là “có”.

Chọn khu vực mua hàng

Hãy chọn tỉnh thành của bạn, bạn có thể thay đổi lại ở đầu trang