27-10-2015, 2:10 pm 5168
Ngành công nghệ đang chứng kiến những bước chuyển mình lớn với các thương vụ mua bán sáp nhập cũng như đầu tư đình đám tiếp tục diễn ra. Gần đây nhất là thương vụ Western Digital mua lại SanDisk bằng tiền mặt và cổ phiếu với giá trị lên đến 19 tỷ USD.
Western Digital (WD) là một trong những hãng nổi tiếng về công nghệ ổ đĩa cứng HDD, hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về các giải pháp lưu trữ số (digital storage). SanDisk nằm trong danh sách Fortune 500 và S&P 500, là hãng lớn thứ 3 thế giới về bộ nhớ Flash.
Thương vụ này đến ngay sau khi thỏa thuận đình đám trị giá 67 tỷ USD của Dell mua lại EMC vào tuần trước. Ngoài ra, nhà sản xuất bán dẫn lưu trữ PMC-Sierra cũng đang nhận được hàng loạt lời đề nghị mua lại từ Skyworks Solutions Inc và Microsemi Corp, ngay bản thân Western Digital cũng vừa được công ty Unisplendour của tập đoàn Tsinghua – Trung Quốc mua lại 15% cổ phần trị giá 3,78 tỷ USD.
Western Digital, công ty với phần lớn các sản phẩm ổ cứng lưu trữ HDD, đang cố gắng đối diện với những thay đổi của cả khách hàng doanh nghiệp và người dùng cuối do cuộc cách mạng trong ngành công nghệ thông tin. Ngày nay, các khách hàng doanh nghiệp không chỉ cần một thiết bị lưu trữ dung lượng lớn mà còn cần phải đáp ứng được yêu cầu cao hơn về tốc độ để xử lý giao dịch trực tuyến và phân tích dữ liệu lớn. Do vậy, các thiết bị lưu trữ dạng rắn (SSD) như ổ đĩa flash bên cạnh bộ nhớ DRAM đang trở thành bộ phận quan trọng của hạ tầng lưu trữ dữ liệu.
Trên thị trường người dùng cuối cùng, cả Western Digital và SanDisk đều đang có những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu khác nhau về lưu trữ dữ liệu. Nếu như Western Digital đang mang đến hệ thống NAS (Network Attached Storage) còn SanDisk là nhà cung cấp hàng đầu cho các ổ nhớ flash và thẻ nhớ mở rộng. Đầu năm nay SanDisk đã cho ra mắt dòng sản phẩm mới, ổ cứng lưu trữ gắn ngoài với dung lượng cao và kích thước nhỏ gọn.
Do vậy, theo phó chủ tịch nghiên cứu của IDC, ông Jeff Janukowicz, việc mua lại SanDisk, sẽ giúp Western Digital có một chỗ đứng trên thị trường bộ nhớ flash NAND toàn cầu. “Ngoài ra, ngành công nghiệp NAND là bước ngoặt cho việc chuyển đổi từ công nghệ lưu trữ phẳng sang công nghệ lưu trữ 3D, và việc tiếp cận được công nghệ này là chìa khóa của thỏa thuận” “Giờ Western Digital đang ở vị trí có thể tiến một bước lớn hơn vào ngành công nghiệp lưu trữ” ông Jeff Janukowicz cho biết thêm. Bản thân Western Digital cũng đã đề cập đến điều này trong thông báo về thỏa thuận mua lại này, sẽ giúp công ty “có thể tích hợp theo chiều dọc vào các sản phẩm NAND, đảm bảo tiếp cận công nghệ SSD trong dài hạn với chi phí thấp hơn”.
SanDisk, với 27 năm kinh nghiệm trên thị trường sản phẩm bộ nhớ flash NAND, sau một thời gian dài hợp tác với Toshiba đã công bố loại chip flash NAND mới với dung lượng 32Gb, có mật độ lưu trữ dữ liệu cao hơn so với các công nghệ hiện tại (3 bit dữ liệu/cell). Trong thông báo của mình, Western Digital đã bày tỏ hy vọng sau khi mua lại SanDisk, mối quan hệ hợp tác này sẽ được tiếp tục được duy trì.
Do các sản phẩm lưu trữ Western Digital và SanDisk trên thực tế ít khi cạnh tranh nhau (trừ một số sản phẩm như SSD nền tảng SAS và PCIe), vì vậy thương vụ này sẽ mang lại Western Digital thêm nhiều tập khách hàng cũng như đa dạng hóa nguồn doanh thu, Janukowicz cho biết. Gregory Wong, nhà phân tích của Forward Insights, cho rằng với việc mua lại SanDisk sẽ giúp Western Digital gia nhập vào thị trường SSD cho người dùng cuối và SSD SATA cho doanh nghiệp.
"Western Digital cần có SanDisk để tiếp cận vào thị trường bộ nhớ flash. Các sản phẩm HDD cho doanh nghiệp của họ đang suy giảm doanh thu một phần do nhu cầu yếu từ thị trường PC và còn do thị phần ngày càng tăng của SSD" Wong cho biết. "Nếu không tham gia được vào thị trường bộ nhớ flash NAND với chi phí hợp lý, sẽ khó khăn hơn cho họ khi tham gia vào cuộc chơi này và cạnh tranh với các ông lớn khác trên thị trường cho doanh nghiệp".
Không như Dell với EMC có nhiều sản phẩm tương tự nhau, Western Digital - SanDisk có ít sản phẩm cạnh tranh với nhau, vì vậy việc hợp nhất giữa hai công ty này sẽ ít tác động đến quy mô toàn thị trường. "Với thỏa thuận này, Western Digital sẽ tăng gấp đôi tập khách hàng của mình và mở rộng sự tham gia của mình vào phân khúc sản phẩm đang tăng trưởng nhanh."
Chip flash NAND 3D được coi là sản phẩm chip nhớ tiên tiến nhất hiện nay, có dung lượng lưu trữ lớn hơn với chi phí sản xuất rẻ hơn do chồng các lớp bộ nhớ flash lên nhau như các tòa nhà cao tầng. Hiện các nhà sản xuất bộ nhớ flash lớn trên thế giới đều có các phiên bản NAND 3D của riêng mình, gần như chỉ khác nhau về mật độ lưu trữ. Một ông lớn khác của ngành công nghiệp chíp nhớ là Intel, cho biết dự định đầu tư 5.5 tỷ USD vào dự án sản xuất chip flash NAND 3D này. Hai ngày trước, Intel thông báo sẽ chuyển nhà máy sản xuất chip xử lý của họ ở Đại Liên - Trung Quốc sang sản xuất chíp flash NAND, dự kiến sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt vào nửa sau của 2016.
Nguồn: genk.vn